Kể từ sau khi rời khỏi chốn này bởi bà chủ bán nhà đi định cư ở nước ngoài, thỉnh thoảng tôi lại có dịp ghé qua Làng báo chí mỗi khi đi lấy tư liệu viết bài. Sự khác biệt, chuyển mình thấy rõ theo thời gian. Mỗi căn nhà vào lúc ấy được bán khoảng từ 500 – 700 triệu đồng, tùy vị trí. Theo từng năm, khi thị trường trải qua những đợt sốt đất, nhà cửa nơi này đã vọt lên “ngôi đầu bảng” của TP.HCM.
Nếu trước đây, khu vực Phú Mỹ Hưng ở phía nam thành phố là
nơi giá cả đất đai đắt đỏ nhất, thì sau đó phải “nhường quyền” cho khu vực
Thảo Điền, một phường rộng hơn 3,7 km2, đã được mệnh danh là “Quận 1 mới của Sài Gòn”, hay là “Trái tim của toàn khu Đông”. Điều đó được minh chứng qua những cuộc trò chuyện với mấy người làm nghề môi giới
bất động sản ở Thảo Điền trong một ngày cuối tháng 10 khi tôi trở lại nơi này.
Một người quen cũ tên Trung, biết nhau nhiều năm trước, từng ngồi quán cóc rượu đế với chúng tôi, nay vẫn trung thành với nghề môi giới và là “dân của làng” cho biết: “Hầu như các
dự án ở Thảo Điền được khởi động sau năm 2000 và đều dọc theo trục đường Nguyễn Văn Hưởng. Nếu như qua cầu Sài Gòn quẹo tay phải, các dự án dọc trục đường Trần Não ven sông là “hàng hiếm” thì phía bên này, qua cầu quẹo tay trái, sự có mặt của các dự án đã đẩy giá đất lên trong 2 thập niên qua, nhưng mạnh nhất là khoảng từ năm 2010 đến nay”.
Nhiều cư dân ngày trước của Làng báo chí đã phải ra đi, nhường chỗ đất đẹp riverside (ven sông) cho các đại gia xây nhà để ở hoặc cho người nước ngoài thuê, vì vậy khi tôi trở lại, vài người quen vốn cư ngụ ở đây bây giờ không còn tìm thấy nữa.
Vào khoảng cuối năm 2003, khi tìm hiểu về sự mâu thuẫn của chỉ giới sông rạch trên thực tế và trong quy định của TP.HCM, tôi đã thông tin trong nhiều bài viết rằng, quy định chỉ giới bờ sông Sài Gòn từ 15 – 20 m (theo Văn bản số 3172/UB-QLĐT do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Vũ Hùng Việt ký ngày 14.9.1996) quả thực rất không phù hợp. Một con sông rộng và đẹp như sông Sài Gòn, khoảng lùi tính từ mép bờ sông ít nhất phải 50 m, bởi lẽ với diện tích đất như vậy mới có thể làm đường, dành cho dải cây xanh phân cách ven sông. Người thụ hưởng những hạ tầng này phải là
cộng đồng, đồng thời những con đường bờ sông sẽ tôn vinh vẻ đẹp thành phố.
Đáng tiếc, sau hơn 7 năm triển khai văn bản nói trên, tính từ năm 1996 đến năm 2003 (là năm mà thành phố bắt buộc chỉ giới là 50 m), có rất nhiều chủ dự án đã kịp “xí phần” quỹ đất ven sông, mà những khu đất ở xung quanh Làng báo chí cũng không ngoại lệ!
Ở thời điểm hiện tại, theo anh Trung, lân cận làng hoặc ngay chính trong làng,
nhiều người đã mua gom 2 – 3 căn nhà từ lâu rồi xây lên những ngôi biệt thự bề thế với diện tích khuôn viên hơn 300 m
2, có giá lên đến 40 – 50 tỉ đồng/căn, thậm chí có căn được rao 60 tỉ đồng. Một thông báo mà tôi đọc được ở một văn phòng môi giới nhà đất tại khu vực này ghi như sau: “Nhà ở đường số 2 Làng báo chí, diện tích 110 m
2, 1 trệt 2 lầu, sân thượng, sổ hồng, giá 12,5 tỉ đồng”. Cùng với diện tích ấy, nhưng với một căn góc có 2 mặt tiền, vị trí đắc địa đã được đẩy lên 15 tỉ đồng. Hoặc với nhà cho thuê, mức giá thuê tỷ lệ thuận với tiền lương của các chuyên gia nước ngoài thường thích sống ở nơi đây, như sau: “Với mỗi khu đất diện tích 110 m2, có thể xây được 7 căn phòng dịch vụ, tiện ích khép kín với tổng mức thu nhập từ cho thuê từ 120 – 150 triệu đồng/tháng”. Bên dưới thông báo, họ không quên ghi thêm một câu: “Đặc biệt Làng báo chí là khu vực khai thác cho thuê
căn hộ dịch vụ cực kỳ tốt của Thảo Điền cũng như ở TP.HCM”!
Với những người môi giới, mỗi khi hỏi đến đều nhận được câu nói như thuộc làu từ cửa miệng: “Khu vực này có bờ kè bao quanh, rất phù hợp cho việc câu cá
giải trí và đi bộ tập thể dục trên bờ kè sông Sài Gòn. Với giá đó là anh cứ việc… an tâm hưởng thụ”!
Nghe vậy, tôi lại chợt nhớ bao đêm về nghe sóng sông Sài Gòn vỗ ì oạp trong những năm ở trọ, giữa giấc mơ đôi khi giật mình vì vẳng lên ồn ào tiếng của bọn ễnh ương hòa tấu, quyện với tiếng còi tàu kéo sà lan xuôi về đâu đó, sau một ngày nhọc mệt lặn lội với những tin, bài!